Chính phủ ở một số quốc gia Chính_phủ

Chính phủ Việt Nam

Theo Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001), Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp tối cao của Nhà nước.

Chính phủ do Chủ tịch nước thành lập và Quốc hội phê chuẩn, có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm). Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu Chủ tịch nước và phê chuẩn chính phủ mới. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội.

Quốc hội bầu Thủ tướng theo đề nghị của Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội và chỉ có Quốc hội mới có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Chính phủ chịu sự giám sát của Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Theo Điều 112 Hiến pháp 1992, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

  • Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức Nhà nước;
  • Bảo đảm việc thi hành Hiến pháppháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;
  • Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
  • Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước;
  • Thi hành những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;
  • Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
  • Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
  • Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước; ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
  • Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo;
  • Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
  • Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Chính phủ có quyền ban hành các Nghị quyết, Nghị định. Các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.